Công nghệ SEO

top ads
test

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Trung Quốc muốn lật ngược luật pháp quốc tế: Không dễ!

Trung Quốc muốn sử dụng “chiến thuật pháp lý Tứ Sa” để thay thế cho cái gọi là “đường 9 đoạn” của họ đã bị hầu hết dư luận khu vực và quốc tế lên án và bị Tòa Trọng tài phủ nhận.
Trung Quốc âm mưu dùng "Tứ Sa" để tạo lớp vỏ mới cho "đường lưỡi bò" phi pháp. Đồ họa: Washington Beacon/Zing.vn
Lại nói về việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Hai “quận” này lần lượt quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị chiếm đóng của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như bãi Macclesfield và bãi Scarborough, khu vực mà Trung Quốc gộp chung gọi là “quần đảo Trung Sa”.

Song song, chính phủ Trung Quốc cũng công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 50 thực thể nằm ở đáy biển, trong phạm vi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước.

Có thể thấy, Trung Quốc dường như đã tiếp tục vin vào cái gọi là “Tứ Sa”, thay cho “đường lưỡi bò”, để độc chiếm Biển Đông. Việc lập quận, đặt tên nằm trong chiến lược “Tứ Sa”. Nó cho thấy ý định của Bắc Kinh rất rõ ràng về độc chiếm Biển Đông, gây bất lợi cho tất cả những nước khác trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á từ lâu đã coi đây là vùng biển chung.

Nói thẳng ra, lý thuyết “Tứ Sa” là nỗ lực để tái khẳng định yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc bằng cách chuyển một yêu sách quá mức mơ hồ đối với toàn bộ vùng biển (khu vực Biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò”) thành một yêu sách quá mức mơ hồ khác đối với bốn nhóm đảo cùng vùng biển và các thực thể ở giữa và xung quanh chúng.

Thực tế, những lập luận trên của Trung Quốc hoàn là một sự khiêu khích đối với các yêu sách khác và dẫn đến các phản ứng dữ dội của các nước có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông, cũng như cộng đồng quốc tế vì sự vô lý, không có tính pháp lý của nó cả về mặt chủ quyền, yêu sách vùng biển và lãnh hải lịch sử.

Về yêu sách chủ quyền

Lập luận “Tứ Sa” của Trung Quốc không xác định rõ phạm vi của từng nhóm đảo trong Tứ Sa. Việc khoanh vùng toàn bộ các cấu trúc tương tự như cách xác định đường cơ sở của Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc muốn đưa ra yêu sách chủ quyền với tất cả các cấu trúc trên biển, cho dù đó là các cấu trúc chìm, hoặc các cấu trúc lúc nổi lúc chìm nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của đất liền Trung Quốc hoặc một đảo mà Trung Quốc có chủ quyền.

Điều 13 của UNCLOS chỉ cho phép quốc gia ven biển sử dụng bãi cạn lúc nổi lúc chìm làm điểm cơ sở để xác định chiều rộng lãnh hải trong trường hợp bãi cạn đó nằm trong phạm vi 12 hải lý từ đất liền.

Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trong vụ tranh chấp giữa Ca-ta và Ba-ranh đã khẳng định bãi cạn lúc nổi lúc chìm không có địa vị pháp lý ngang bằng với đất liền và không phải là đối tượng để yêu sách chủ quyền lãnh thổ.

Song song, mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định đã phát hiện, đặt tên cho các cấu trúc tại Biển Đông từ thời kỳ cổ đại, nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc với các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước.

Ví như, năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực trái với nghĩa vụ của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thiết lập sự kiểm soát với quần đảo Hoàng Sa. Tại Trường Sa, Trung Quốc cũng chỉ thiết lập sự kiểm soát với một số cấu trúc dựa trên hai lần sử dụng vũ lực trái với quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và tập quán quốc tế vào năm 1988 và 1995 với Việt Nam.

Về yêu sách vùng biển

Từ cách Trung Quốc thiết lập đường cơ sở với Hoàng Sa năm 1996 có thể thấy có hai phương án Trung Quốc sẽ thiết lập đường cơ sở cho Tứ Sa: Bao tất cả các cấu trúc ngoài cùng của từng nhóm đảo và bao quanh toàn bộ bốn nhóm đảo.

Nếu “Tứ Sa” được vẽ theo phương pháp đường cơ sở quần đảo, thì các nhóm đảo tại Biển Đông, đặc biệt là Đông Sa và Trung Sa có thể không đủ gắn kết để trở thành quần đảo theo quy định tại Điều 46 của UNCLOS. Cho dù Tứ Sa có thỏa mãn là quần đảo theo định nghĩa của Điều 46 của UNCLOS, chỉ có quốc gia quần đảo mới được sử dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo.  Hãy nhớ, Trung Quốc là quốc gia lục địa, không phải quốc gia quần đảo.

Còn nếu lập luận rằng đường cơ sở Trung Quốc áp dụng là đường cơ sở thẳng - cơ sở để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7 của UNCLOS. Thì các cấu trúc địa lý của các nhóm đảo thuộc Tứ Sa không hội tụ đủ các điều kiện để vẽ đường cơ sở thẳng bao toàn bộ các thực thể như vậy.

Khi đánh giá về đường cơ sở của Hoàng Sa do Trung Quốc công bố vào năm 1996, Bộ Ngoại giao Mỹ từng khẳng định nhiều khu vực của Hoàng Sa không đủ điều kiện vẽ đường cơ sở thẳng mà phải áp dụng đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất.

Tại Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Tòa Trọng tài đã khẳng định việc vẽ đường cơ sở thẳng bao trùm toàn bộ các cấu trúc địa lý của Trường Sa là không phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Về yêu sách vùng lãnh hải lịch sử
Các chuyên gia luật quốc tế đánh giá, yêu sách vùng lãnh hải lịch sử của Trung Quốc cũng thiếu cơ sở pháp lý. Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã tổng hợp các khả năng yêu sách danh nghĩa lịch sử của một quốc gia bao gồm vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử và quyền lịch sử. Trung Quốc không yêu sách các danh nghĩa lịch sử này mà lại đưa ra yêu sách lãnh hải lịch sử, một khái niệm chưa có tiền lệ trong luật quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, Nhà nghiên cứu Bill Hayton tại tổ chức phi chính phủ - phi lợi nhuận Chatham House (Anh - chuyên phân tích các vấn đề quốc tế) đặt câu hỏi: Liệu có phải Trung Quốc “đang cố gắng lật ngược luật pháp quốc tế”?

“Không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền các thực thể dưới mặt nước trừ khi các thực thể này nằm trong khoảng cách 12 hải lý kể từ bờ biển của mình. Trung Quốc không biết điều này hay đang cố tình lật ngược luật pháp quốc tế? Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS vốn nói rất rõ ràng cái gì các nước có thể và không thể tuyên bố là lãnh thổ của mình. Trung Quốc dường như đang đi ngược lại UNCLOS với việc khẳng định chủ quyền ở những nơi rất xa” - theo nhà phân tích Hayton.

Như vậy, từ góc độ luật pháp quốc tế, không có động thái nào trong số này giúp thúc đẩy hoặc củng cố lập trường pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Vì thế, bất kỳ hành động nào của Bắc Kinh thực hiện chỉ là những nỗ lực vị kỷ để tạo ra vỏ bọc pháp lý cho các hoạt động nhằm mục đích độc chiếm Biển Đông.

Tức là,“chiến thuật pháp lý” mà Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng lại hoàn toàn không có tính pháp lý. Nên, sẽ không bất ngờ một khi các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng của “lý thuyết Tứ Sa” và cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét